Khoa học công nghệ

Chuyển đổi số: Nhanh nhạy chưa đủ

Cập nhật371
0
0 0 0
Khủng hoảng do Covid-19, ảnh hưởng từ cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung, các điều kiện cần phải đáp ứng khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu... là những điều khiến chuyển đổi số (CĐS) trở thành yêu cầu cấp bách đối với doanh nghiệp (DN).

Hiểu CĐS để kinh doanh hiệu quả

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, giá trị nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam năm 2020 ước đạt 14 tỷ USD, đặt tốc độ tăng trưởng hai con số. Cho thấy dư địa cho nền kinh tế số ở Việt Nam là rất lớn.

Chia sẻ tại hội thảo Lãnh đạo xuyên khủng hoảng do Alpha Books phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức cuối tháng 11 vừa qua tại TP.HCM, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, việc Việt Nam tham gia vào ba hiệp định tự do thương mại lớn là CPTPP, EVFTA và RCEP là một tín hiệu tích cực. Và CĐS là yêu cầu cấp bách để DN Việt có thể tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, không nên quan niệm CĐS để thay đổi quản lý mà nên xem đó là cơ hội để nâng cấp cho trình độ quản lý, từ những gia đình hợp tác xã nông nghiệp, đến những DN nhỏ và vừa, thậm chí đối với cả các cơ quan ban ngành chức năng. Ví dụ với nền nông nghiệp thì CĐS là phải làm tiêu chuẩn quản lý bằng số như thế nào, ghi nhật ký, truy suất nguồn gốc, QR Code làm sao... Khi đã đạt tiêu chuẩn rồi, phải làm các bước khác để thị trường nước ngoài tiếp nhận mình trong môi trường của họ. 

amgiau-asia-chuyen-doi-so-nhanh-nhay-chua-du-1.jpg
 
Từng làm việc cho nhiều DN lớn tại Việt Nam và 18 năm làm Giám đốc miền Bắc và miền Trung Samsung Việt Nam, ông Tô Chính Nghĩa cũng khẳng định: Covid-19 cũng đẩy tiến trình online lên một tốc độ đáng kinh ngạc. Có thể nói số hóa đã thay đổi cả quá trình sản xuất lẫn kinh doanh của DN. Và muốn không bị tụt hậu hay bị đào thải, DN buộc phải nhanh nhạy và đẩy nhanh quá trình CĐS trong mọi quá trình, để tăng năng suất đầu vào cũng như đầu ra, đáp ứng được với thị trường.

Minh chứng cho việc hiểu và CĐS thành công, CEO John Lê - startup công nghệ với mô hình bất động sản Propzy.vn  cho rằng: Với việc nhanh nhạy đưa ra mô hình Propzy.vn hoạt động trên nền tảng one-stop-shop, đáp ứng trọn gói nhu cầu của khách hàng từ việc tiếp cận trực tiếp với kho dữ liệu khổng lồ với hơn 50.000 sản phẩm sẵn sàng giao dịch, đáp ứng nhu cầu mua - bán,  thuê - cho thuê bất động sản, khách hàng lại được chuyên gia tư vấn chuyên sâu, dẫn đi xem nhà, thẩm định giá, thương thảo hợp đồng, pháp lý, công chứng, giải pháp tài chính... cho đến khi chuyển giao thành công giao dịch bất động sản cho khách hàng nên tới nay, Propzy đã thu hút và gọi vốn từ các nhà đầu tư lên tới 37 triệu USD, phát triển đội ngũ lên tới hơn 700 nhân viên cùng 30 trung tâm giao dịch tại TP.HCM. Và trên đà đó, chúng tôi có kế hoạch mở rộng mạng lưới lên 70 trung tâm và hơn 1.300 nhân viên tư vấn trên toàn quốc. 

Chứng minh thêm sự nhanh nhạy và mang lại hiệu quả khi CĐS, ông Huỳnh Ngọc Huy - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết: Để tham gia CĐS, LienVietPostBank đã xây dựng kế hoạch trong 10 năm 2018 - 2028, trong đó đã xây dựng lộ trình số hóa tất cả hoạt động ngân hàng, bao gồm quy trình quản trị, hoạt động quản lý và quy trình thực hiện tất cả nghiệp vụ từ khâu thiết kế, xây dựng sản phẩm, dịch vụ đến triển khai bán hàng, quản lý và kiểm soát rủi ro...  

Năm 2016, LienVietPostBank triển khai sản phẩm thẻ phi vật lý Ví Việt nhưng sau ba năm phát triển Ví Việt, chúng tôi nhận thấy cần hợp nhất các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử, ngân hàng trực tuyến của LienVietPostBank trên một nền tảng hợp kênh nên đã cho phát triển ứng dụng ngân hàng số LienViet24h, trong đó hợp nhất các dịch vụ mobile banking, Internet banking, Ví Việt và tất cả dịch vụ liên quan đến thẻ. Trên thực tế, LienViet24h là bước tiếp theo của Ví Việt, giống như việc học xong cấp 3 thì phải chuyển lên đại học.

Bà Lưu Nga - Nhà sáng lập - Công ty HĐQT Công ty Thời trang Elise cũng cho biết: Nhờ Covid-19, doanh nghiệp của tôi mới ứng dụng thương mại điện tử vào mô hình kinh doanh và đã giúp doanh thu online trong 3 tháng gần đây của chúng tôi tăng gấp 7 lần. Khi gia tăng các chỉ số online, chúng tôi có cơ hội tiếp cận với khách hàng nhiều hơn, thông qua đó tăng được offline.

lamgiau-asia-chuyen-doi-so-nhanh-nhay-chua-du-2.jpg 
Con người là quan trọng

Tuy nhiên, việc tham gia CĐS nhanh nhạy và thích ứng chưa đủ để mang lại hiệu quả thành công. Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Học viện Doanh nhân MVV cho rằng: Điểm mạnh của DN Việt chính là khả năng thích ứng nhanh, nhạy bén với thị trường. Thêm vào đó, tỷ lệ DN trẻ lớn dễ dàng đón nhận cái mới, kiên trì theo đuổi mục tiêu. Tuy nhiên, ở Việt Nam chủ yếu là doanh chủ chứ chưa phải doanh nhân thật sự, họ còn thiếu kỹ năng quản trị và chưa tận dụng được nguồn lực tự có, bên cạnh đó năng suất lao động của người Việt vẫn còn thấp. 

Và vấn đề lớn đặt ra với quá trình CĐS là đào tạo nguồn nhân lực cho quá trình này. Bởi tính đến thời điểm hiện tại, nền  kinh tế Việt Nam  đang thiếu rất nhiều nhân lực cho kỹ thuật, công nghệ mới cho CĐS.

Chia sẻ tại sự kiện Whose chance Talk do Alo Media tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tuấn Lương - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) cũng cho rằng: Công nghệ đang len lỏi vào cuộc sống nhưng công nghệ không làm mất đi việc làm, mà tạo ra nhiều công ăn việc làm.  Vì vậy, người lao đông cần phải tập thích nghi từ những điều nhỏ nhất. Điển hình nhất là thích nghi với việc họp online, cần phải chuẩn bị gì để cuộc họp diễn ra hiệu quả, vì một cuộc họp online hoàn toàn khác với một cuộc họp trực tiếp thông thường. Chúng ta phải trang bị những kiến thức, hiểu biết, kỹ năng để thích nghi.

Tuy nhiên, để theo kịp xu hướng CĐS, ông Cô Gia Thọ - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long cho rằng, DN phải tập trung đào tạo, việc đào tạo lực lượng nhân sự nên chia theo những giai đoạn khác nhau, căn cứ vào nhu cầu thực tế của xã hội, xã hội cần gì thì giáo dục trang bị cái đó, chứ không phải giáo dục theo phòng trào ai cũng phải marathon với việc học hành. Ở thời điểm hiện tại, điều mà ngành giáo dục cần làm là nhanh chóng đào tạo ra một lực lượng nhân sự được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết cho quá trình CĐS.

Đóng góp vào quá trình CĐS, ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Alpha Books cho biết, Alpha Books đang cung cấp ra thị trường không chỉ là những ấn phẩm liên quan đến việc làm giàu, marketing... mà  còn là những tinh hoa quản trị, lãnh đạo doanh nghiệp từ những viện nghiên cứu hàng đầu thế giới như Harvard Business Review... Xa hơn nữa đó là tri thức về những phát minh, sáng chế, đề tài khoa học... để người Việt có thể thừa hưởng, kế tục một cách nhanh nhất những thành quả từ các quốc gia tiên tiến và rút ngắn con đường đi đến thành công. 

Bên cạnh đó, Công ty Xuất bản và Dữ liệu ETS - công ty con của Alpha Books cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES) trong việc phát triển Tủ sách giáo dục nhằm cung cấp các ấn phẩm, công trình nghiên cứu, tài liệu tham khảo về giáo dục và đào tạo; góp phần nâng cao nhận thức và đưa các chính sách, chương trình, phương pháp giáo dục tiên tiến, hiện đại nhất trên thế giới tới cho những người làm công tác giáo dục trên cả nước, hướng tới thúc đẩy nhanh quá trình đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.
Nguồndoanhnhansaigon.vn
Lượt xem01/12/2021
0 0 0
Chia sẻ bài viết

Tin Nổi bật

Tin xem nhiều

Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng