Khoa học công nghệ

Mobile Money: Đến sau nhưng không chậm chân

Cập nhật387
0
0 0 0
Thanh toán điện tử được xem là nền tảng của môi trường số và Mobile Money là giải pháp nhanh nhất để thanh toán điện tử phủ đến toàn dân. Hy vọng Mobile Money sẽ tạo nên cú huých, thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số...
lamgiau-asia-mobile-money-den-sau-nhung-khong-cham-chan
Từ ngày 9/3/2021, Chính phủ đã phê duyệt việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) với thời gian thí điểm trong hai năm. Những thủ tục cuối cùng đang được hoàn tất để đầu tháng 10 này, giấy phép thí điểm Mobile Money sẽ được cấp. Mobile Money hướng tới 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Trong đó, người dân ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa có thể thanh toán bằng tài khoản định danh. 

Viettel thông báo sẽ triển khai Mobile Money trên nền hệ sinh thái số Viettel Pay. Viettel còn có công ty an ninh mạng bảo vệ người dùng. MobiFone đã thành lập Trung tâm Dịch vụ số MobiFone và chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật để triển khai Mobile Money. Lợi thế của MobiFone là sở hữu hàng chục nghìn điểm giao dịch, giúp giảm chi phí phát triển điểm giao dịch Mobile Money. Tuy nhiên, Mobile Money mới chỉ ở giai đoạn sandbox (cơ chế thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế) và là thí điểm đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện. 

Theo International Monetary Fund, hiện nay Mobile Money đã đánh dấu bằng nhiều dịch vụ ở các thị trường nơi có dân số đông tại châu Phi và châu Á. Đã có hơn 2 tỷ USD giao dịch trong thị trường này tại 95 quốc gia, trong đó vùng châu Phi hạ Sahara (Saharan Africa) chiếm phân nửa. Chi phí giao dịch qua Mobile Money thấp cùng với những dịch vụ xuyên biên giới vừa giúp người dùng tiện lợi và giúp các chính phủ kiểm soát được tiền lưu thông từ những người chưa có tài khoản ngân hàng. 

Theo TS. Đoàn Bảo Huy - giảng viên tài chính của RMIT Việt Nam, Mobile Money chỉ có tính năng cơ bản là thanh toán không dùng tiền mặt và không bao gồm các dịch vụ huy động vốn hay cho vay như ngân hàng. Nhưng thị trường Mobile Money còn nhiều dư địa để phát triển vì sự tiện lợi với nhiều tính năng nên người dùng sẽ có động lực để tiếp cận.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ thanh toán qua Internet (đa phần gắn liền với dịch vụ thanh toán qua ngân hàng) vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý I/2021. Ở khu vực thành thị mới chỉ có 30% người dân sử dụng Mobile Banking, nên đối tượng phục vụ của ngân hàng điện tử vẫn còn lớn. 

Mobile Money còn hạn chế chuyển tiền trong cùng nhà mạng so với kênh chuyển tiền đa dạng ở ví điện tử. Vì vậy, cần phát triển thêm các tiện ích như dịch vụ cho vay và huy động vốn. Điều này  phù hợp với kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025 với mục tiêu ít nhất 70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện trên môi trường số. 

Giao dịch bằng phương tiện này phù hợp với những thanh toán giá trị nhỏ khi mà tiền mặt vẫn chiếm 70% số lượng giao dịch. Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà nước, quý I/2021, giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 4,6 triệu tỷ đồng trên 395 triệu mặt hàng, tăng 78% về số lượng và 103% giá trị, trong khi giao dịch qua kênh Internet tăng trưởng 55,9% về số lượng và 28,4% giá trị, đạt 8,1 triệu tỷ đồng trên 156,2 triệu món hàng.

TS. Huy dự đoán, trong dài hạn sẽ có sự cạnh tranh giữa ngân hàng, ví điện tử và Mobile Money về phương thức thanh toán. Yếu tố quyết định không phải là chương trình khuyến mãi nữa mà là sự trải nghiệm người dùng và tính bảo mật. Thực tế cho thấy, các công ty trong lĩnh vực thanh toán điện tử bắt đầu bắt tay với nhiều đối tác, như sàn thương mại điện tử, cửa hàng tiện lợi để phục vụ hầu hết nhu cầu người sử dụng. Dù đi sau nhưng Mobile Money có một số lợi thế hơn các đối thủ. Phương thức thanh toán này được các nhà mạng có cơ sở dữ liệu khách hàng lớn và có kinh nghiệm trong ví điện tử như Viettel Pay cung cấp. Điều này giúp thiết kế và hoàn thiện sản phẩm để dễ dàng tiếp cận người dùng hơn.. 

Ví điện tử, theo quy định hiện tại, có hạn mức giao dịch tối đa 100 triệu đồng/tháng nên phù hợp hơn với khách hàng ở thành phố với mức độ và tần suất chi tiêu cao. Trong khi đó, hạn mức giao dịch của Mobile Money chỉ dừng lại ở 10 triệu đồng/tháng. Vì vậy không cần thiết phải có tài khoản ngân hàng để trải nghiệm dịch vụ. Với tỷ lệ 1,3 thuê bao di động/người (theo số liệu Cục Viễn Thông tháng 1/2020), sẽ đa dạng hóa các phương tiện thanh toán và thúc đẩy không sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế. 
Nguồndoanhnhansaigon.vn
Lượt xem27/10/2021
0 0 0
Chia sẻ bài viết

Tin Nổi bật

Tin xem nhiều

Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng